Gọi là vợ chồng mắm vì cuộc sống của họ, phần lớn thời gian là mắm. Ăn mắm, ngủ mắm, cuộc sống gắn liền với mắm. Mắm với họ không chỉ là công việc mưu sinh mà đó là tất cả tình yêu, tâm huyết và kỳ vọng của cuộc đời.
Lê Anh- một kỹ sư xây dựng sẵn sàng bỏ công việc thu nhập hàng nhìn đô quay về với tình yêu với mắm truyền thống. Quyết định gặp phản ứng của tất cả thành viên trong gia đình vì nó sẽ kéo theo những rủi ro vô cùng lớn về tương lại của đại gia đình. Vợ anh- Đoàn Hải Vân – Dược sĩ đại học Dược, cũng không đành lòng nhìn chồng ngày đêm vất vả, cũng chung tay ủng hộ, giúp sức.
Hai vợ chồng- chung lưng đấu cật- xây dựng thương hiệu mắm Lê Gia từ con số 0, vượt qua muôn trùng gian khó.
Hãy cùng tìm hiểu, họ đã có hành trình từ số 0 tròn trĩnh như thế nào
Thời điểm, Lê Anh quyết định bỏ nghề kỹ sư để về làm mắm là một ngã rẽ trong cuộc đời, không chỉ riêng với Lê Anh. Bởi ngoài trách nhiệm làm chồng, làm cha, anh còn là cháu đích tôn, trụ cột của gia đình đông anh em. Quyết định của anh vấp phải sự phản đối quyết liệt của bố mẹ. Bởi cũng dễ hiểu, chẳng bố mẹ nào muốn nhìn thấy con phải khổ, phải lao tâm khi đi vào ngành chẳng thấy tương lai. Vợ anh – Hải Vân cũng vậy. Không muốn đánh cược cuộc đời của mình và các con vào một quyết định bị nhiều người cho là “điên khùng”. Nhưng rồi, đất không chịu trời thì trời chịu đất, thấy chồng quyết tâm, làm như thiêu thân, không đành lòng thấy chồng cực khổ, Hải Vân cũng xắn tay phụ giúp chồng. Đôi vợ chồng mắm là cách mọi người hay gọi về cặp đôi này.
Hàng núi công việc được đặt lên đôi vai của hai vợ chồng trẻ: Đóng thùng gỗ, xây nhà xưởng, tối ưu phương pháp sản xuất, bao bì, nhãn hiệu, cung ứng, nguyên liệu, bán hàng, tài chính, quản trị….Tất cả với họ, ban đầu là một mảnh đất trống của ông bà để lại và các chú, họ hàng trong nhà cho vay, cho mượn. Họ chỉ có duy nhất là tình yêu với nghề mắm truyền thống. Một số 0 tròn trĩnh khi bắt đầu.
Đôi vợ chông mắm- trong một lần bán hàng
Thời điểm đầu, Cuộc sống với họ chỉ xoay quanh cách để xây và chăm đứa con tinh thần của mình: Lê Gia. Dùng toàn bộ nguồn lực để ấp ủ, chăm lo để nó không bị chết yểu. Bữa cơm của hai vợ chồng thường rất vội và thất thường. Đứa con gái đầu thì gửi về cho ông bà chăm, hai vợ chồng người sản xuất, người bán hàng, cùng nhau lo việc.
Vất vả để có sản phẩm đầu tiên rồi, nhưng làm thế nào để thị trường chấp nhận và thử nó, làm thế nào để bán được hàng để có doanh thu trang trải nợ. Đó là bài toán khó nhất với đôi vợ chồng trẻ khi đó.
Mùa hè 2016 tại các nhà hàng ở khu du lịch biển Hải Tiến- Hoằng Hóa – Thanh Hóa. Hình ảnh cặp vợ chồng – gày gò, đôi cặp kính cận to, chồng đi giày công trường, vợ đi giày bata, mặc áo xanh có hình ngôi nhà (Lê Gia), lúc nào cũng cầm chai mắm với nụ cười trên môi, đến từng mâm cơm để mời mọi người dùng thử là hình ảnh dễ bắt gặp trong suốt 3 tháng hè.
Giờ cơm trưa của khách du lịch, là lúc nóng nhất của mùa hè, mồ hôi ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn nở trên môi họ. Xong bữa cơm của khách, thường là qua nửa buổi chiều hoặc tối muộn (với bữa chiều), cơn đói qua đi, chỉ còn sự mệt nhọc, khi về bữa cơm nhà còn chẳng kịp ăn.
Đôi lúc nụ cười của họ bị ngắt quãng vì gặp phải sự “phản ứng” của khách hàng. Không phải ai cũng đồng ý ăn thử sản phẩm. Tỉ lệ khách hàng đang sử dụng nước chấm công nghiệp có khi đến gần 90%, họ phản ứng, đôi khi quát mắng, to tiếng.
Vợ anh- nhiều lúc khóc và nản, muốn chồng mình dừng lại.
Khó khăn tâm lý đến cùng với khó khăn tài chính, bao nhiêu sổ đỏ gia đình đều mang thế chấp ngân hàng, tiền vốn vay mua cá ủ muối hàng năm trời, áp lực trả lãi ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con, nay ra sản phẩm mà không tiêu thụ được, không có nguồn thu, cảm giác như đi vào ngõ cụt.
Với Lê Anh lúc đấy, khó khăn trở lên gấp bội, bởi vì hậu phương của mình đang lung lay. Dù trong lòng cũng nản nhưng với anh, từ bỏ nghĩa là chấp nhận thất bại và kéo theo nợ nần, gánh nặng lên các thành viên gia đình và nhiều cái khác.
Động viên vợ và người thân, miệt mài và bền bỉ, sản phẩm mắm Lê Gia cũng bắt đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đường đi đã bớt tăm tối hơn.
Hải Vân- Nụ cười bán hàng tại khu du lịch biển Hải Tiến 2016
Đến từng khách hàng để thuyết phục, giới thiệu đứa con tinh thần của mình
TRÁI NGỌT ĐẦU TIÊN
Có những khách hàng đầu tiên, họ dùng và thích vị mắm nguyên bản tự nhiên, họ quay lại dùng tiếp và nói lời động viên. Đó như là món quà quý giá, có ý nghĩa lớn lao, giữ lửa và thổi bùng cháy lên hy vọng của đôi vợ chồng mắm.
Tín hiệu tốt nhất là sản phẩm Nước mắm dành cho bé, được các mẹ đón nhận, được hệ thống mẹ và bé uy tín (Bibomart, Kid plaza) cho lên kệ bán. Niềm vui thấy đứa con tinh thần của mình, được có mặt trên kệ đẹp đẽ của siêu thị, được khách hàng mình đón nhận – như thể họ làm được gì đó lớn lao.
Một kỷ niệm nhớ mãi, là trong một lần đến hệ thống mẹ và bé Bibomart, tình cờ nghe thấy một bà mẹ -và thu ngân của siêu thị nói chuyện, bà mẹ nói, cô ấy cũng ở quê, bố mẹ cô ấy ngày xưa cũng làm nước mắm và sau khi dùng nước mắm Lê Gia cho bé cô ấy thấy đúng là nước mắm chuẩn, nguyên chất, và cô ấy tin dùng cho con.
Đó thực sự là giấy phút xúc động với họ, là thành quả ngọt ngào – đầu tiên mà họ- đôi vợ chồng mắm được nhận sau biết bao nỗ lực không ngừng nghỉ.
Luôn nở nụ cười thân thiện với khách hàng
MONG ƯỚC TƯƠNG LAI
Sau hơn 3 năm, chung lưng đấu cật, giờ đây các sản phẩm mắm mang thương hiệu Lê Gia rất may mắn được người tiêu dùng ủng hộ, đón nhận, nhưng họ vẫn chưa vượt qua điểm hòa vốn và sự khốc liệt của nghề mắm, sự nhọc nhằn và tương lai không mấy tương sáng vẫn còn nguyên. Sản xuất đọng vốn, nguồn lực cần nhiều, cá cơm ngày càng cạn kiệt, cạnh tranh khốc liệt với nhiều ông lớn, thị hiếu và nhu cầu thị trường, thế hệ trẻ ngày càng rời xa nước mắm truyền thống….
Để phát triển được thương hiệu mắm Lê Gia, với mục tiêu gìn giữ hương vị nguyên bản, tinh hoa ẩm thực cha ông, với đôi vợ chồng mắm, tinh thần khởi nghiệp, sự chung lưng đấu cật, sự cố gắng với họ vẫn như những ngày đầu, chỉ cần dừng lại, chỉ cần có tâm lý nghỉ ngơi là mọi thứ lại quay đầu về 0.
Đó là sự khốc liệt của ngành nhưng ngay từ đầu, họ đến với mắm không vì tiền bạc, họ cố gắng để nhận được được thành quả lâu bền, dài lâu
Mong ước của họ là xây dựng một thương hiệu, góp phần gìn giữ nghề cha ông, tinh hoa ẩm thực của người Việt, để lại cho thế hệ sau.