Bài này, được viết theo cảm nhận cá nhân của một người sản xuất nước mắm truyền thống, có cơ hội được tiếp xúc, làm việc với vị chuyên gia tận tâm vì nước mắm truyền thống, người hết lòng hỗ trợ, bảo vệ nước mắm truyền thống và với những nhà sản xuất và bà con làm mắm truyền thống, thường ví cô là “ Bà đỡ”, Cô là Tiến sĩ Trần Thị Dung.
TS Trần Thị Dung sinh năm 1956 tại Vanuatu, hay còn gọi là Tân Đảo, thuộc vùng biển Nam Thái Bình Dương xa xôi. Lên 8 tuổi bà mới hồi hương VN, lớn lên ở Nha Trang, làm việc tại Hải Phòng và thành danh ở Bulgaria, cuộc đời của TS Trần Thị Dung dường như luôn gắn với biển cả.
Từ khi bảo vệ xong luận án TS về nước mắm, bà về VN làm việc tại nhiều cơ quan, tổ chức, từ đơn vị kinh doanh thủy sản tới các viện, trường cũng như các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Trong quá trình đó, bà đã có điều kiện đi thực tế khắp các làng nghề sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước để lấy mẫu về phân tích, đồng thời tìm hiểu thêm công nghệ sản xuất của từng nơi và bà đã lập ra bộ dữ liệu về nước mắm truyền thống của VN.
Qua đó TS Dung đã chứng minh trong nước mắm truyền thống không có chất gây hại cho sức khỏe con người.
“Trên cơ sở nghiên cứu như vậy, mỗi khi có việc người ta định làm hại nước mắm truyền thống thì mình phải lên tiếng. Như cách đây khoảng 10 năm, người ta đặt ra vấn đề urê trong nước mắm.
Tôi hay tin liền gọi ngay cho bên Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế giải thích rằng quá trình phân hủy đạm từ cá tự nhiên sẽ sinh ra urê với mức độ không gây hại, chứ không phải người sản xuất cho vào.
Cũng may có những người nghe mình và tìm hiểu lại thì đúng là không có chuyện gì và sau đó chấm dứt được vụ này” – TS Dung kể. ( Lược trích từ báo Tuổi trẻ)
Nếu nói cô là “bà đỡ” cho NMTT Việt thì không sai. Cô và cùng các chuyên gia tâm huyết khác (cô Hồng Minh, chú Thành, cô Kim Hạnh…) là những chuyên gia đã bảo vệ lẽ phải – chống lại lợi ích nhóm – nói lên tiếng nói bảo vệ NMTT trong vụ Arsen 2016 và vụ dự thảo TCVN 1267 vừa rồi.
Vụ truyền thông bẩn nhằm vào nước mắm truyền thống- Cơn bão Arsen 2016- Tiến sĩ Dung cùng với các chuyên gia tâm huyết đã lên tiếng, minh oan và trả lại công bằng cho nước mắm truyền thống, chỉ cần tìm kiếm tên của cô cùng với từ khóa Arsen nước mắm thì ra tất tần tật.
Gần đây nhất là Vụ Dự thảo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nước mắm tháng 3/2019, xin được dẫn lời từ bài báo “ Tiến sĩ nước mắm bị mời ra phòng họp” của báo Giao Thông
Chiều 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng – TĐC (Bộ KH&CN) đã gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260: 2019 Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm.
Phút cuối, một cánh tay của người phụ nữ đứng tuổi giơ lên muốn phát biểu song bị chủ tọa ngăn cản. Người phụ nữ ấy chính là TS Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN&PTNT). Bà cũng là người đầu tiên lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gắn mác “nhiễm asen” cách đây hơn 2 năm về trước.
Đã có rất nhiều câu hỏi liên quan tới nội dung Dự thảo Tiêu chuẩn TCVN 1260: 2019 được đặt ra nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Khi chủ tọa là ông Trần Văn Công, Phó cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (đơn vị soạn thảo Dự thảo) vội vàng tuyên bố kết thúc, bà Dung đã phải hét lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”. Tuy nhiên ông Công lập tức yêu cầu nữ chuyên gia rời khỏi khán phòng họp. Thậm chí khi bà Dung đã ra tới ngoài sân, còn bị bảo vệ gây khó. Chỉ tới khi báo chí lên tiếng, nữ chuyên gia này mới được đứng lại trao đổi thông tin.
“Cách đây hơn 2 năm với sự kiện asen trong nước mắm tôi cũng phải hành động như vậy. Tôi muốn thay mặt các nhà sản xuất nước mắm truyền thống để nói ra vì họ không được mời tới đây. Thực sự rất mất mặt nhưng nếu không làm thế thì không còn cơ hội nào để nói”, bà Dung mở đầu cuộc trao đổi.
Nhấn mạnh tên nước mắm chỉ được dùng cho sản phẩm làm từ cá và muối chứ không phải dùng cho các loại lấy nước mắm về pha loãng với các hóa chất, bà Dung đặt vấn đề: “Người ta đi từ đâu và định làm gì với cái tiêu chuẩn này?”.
Tiến sĩ Trần Thị Dung – Bà đỡ của nước mắm truyền thống
Chắc có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi về việc tại sao những chuyên gia trên lại “dám lên tiếng” bảo vệ nước mắm truyền thống như vậy.
Cô Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh- Nguyên thứ trưởng bộ Thủy sản, người cũng miệt mài và tận tâm như cô Dung có lần trong cuộc họp ở bộ Nông nghiệp về việc thành lập BVĐ HHNMTT nói rằng: mình ăn chay, chẳng có dính dáng về quyền lợi với NMTT cả, tôi nói vì lẽ phải”.
Cô Dung chia sẻ: “Xin được bày tỏ rằng tôi đã nghỉ hưu rồi. Cuộc đời tôi thế là đã an bài, không còn gì phải lo toan nữa. Nhưng mấy chục năm trong nghề nước mắm, tôi không thể ngồi im nhìn người ta làm loạn cái nghề của cha ông để lại.
Bao nhiêu ngư dân đang ngày đêm bám biển, chịu đựng sóng gió, chịu đựng các cú tấn công của lũ cướp biển, vừa để khai thác cá nuôi sống bản thân và gia đình, vừa để bám biển giữ yên bờ cõi. Các ngư dân đang sống nhờ bán cá cho hơn 2.800 hộ dân và doanh nghiệp làm nghề nước mắm. Thế mà có những người đang tâm làm cái dự thảo tiêu chuẩn này. Thực sự mình không thể tưởng tượng nổi”…
Ngay từ khi bắt đầu xây dựng thương hiệu mắm Lê Gia, tôi – một chàng trai trẻ yêu nghề mắm truyền thống của cha ông, kế thừa nghề gia truyền nhưng việc đầu tiên tôi làm là tìm đến cô Dung để được tư vấn, hỗ trợ, góp ý về quy trình sản xuất.
Bởi tôi nghĩ rằng, kinh nghiệm của cha ông là chưa đủ, sản xuất được nước mắm chuẩn ngon, tối ưu được mùi vị và chất lượng thì cần có sự đóng góp của khoa học thực phẩm, cần sự góp ý của chuyên gia.
Tiến sỹ Trần Thị Dung và ông Lê Anh trong một buổi trò chuyện
Thật may mắn cho tôi hay nói đúng hơn là cho thương hiệu mắm Lê Gia khi nhận được sự đồng hành, cố vấn của tiến sĩ Trần Thị Dung.
Từ những góp ý, cố vấn của Cô, mắm Lê Gia đã không ngừng cải tiến thay đổi để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ lại sự tự nhiên, nguyên bản cho nước mắm truyền thống Việt.
Không chỉ là các vấn đề về chuyên môn, kỹ thuật, tôi được cô Dung chọn giao phó các công việc chung, liên quan đến nước mắm truyền thống, kết nối, đồng hành cùng các nhà sản xuất nước mắm truyền thống, cùng nhau hiệp sức đồng lòng cùng phát triển nước mắm truyền thống. ( Lê Anh là đại diện trẻ nhất trong 17 thành viên được Bộ nông nghiệp ra quyết định 1779 ngày 9/5/2017 thành lập)
Mỗi lần cô cháu gặp nhau, hai cô cháu lại nói đủ thứ chuyện, ngoài chuyện mắm muối thì là các chia sẻ về nhân sinh thời cuộc. Cô bảo: “ Làm mắm truyền thống gian nan lắm cháu, để duy trì được nghề này cháu phải làm thêm những thứ khác nữa, không thì cháu sẽ rất vất vả về kinh tế.”
Đúng như lời cô Dung nói, nghề mắm là nghề cực nhọc và không rõ tương lai, nhưng nếu như không có những người như cô Dung, không có những người trẻ tiếp bước gìn giữ, phát triển thì nghề mắm cha ông – quốc hồn quốc túy – văn hóa ẩm thực, nghề gắn liền với các tầng lớp yếu thế trong xã hội rồi sẽ đi về đâu.
Tự dặn lòng mình, thầm cảm ơn Bà đỡ nước mắm và thầm cố gắng
( Lê Anh- Mắm Lê Gia 3/2019)