Trong vô vàn nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống Việt, có một thứ vừa mộc mạc, đời thường nhưng cũng thấm đượm chiều sâu của một nền ẩm thực tinh túy. Giữ trọn hương vị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, nước mắm như một sợi dây nối dài quá khứ – hiện tại cho mỗi người dân Việt.
Bát nước mắm luôn nằm giữa mâm cơm của mỗi gia đình Việt
Tôi nhớ hồi nhỏ xíu, nhà tôi dọn nhà từ quê lên một xóm ngoại ô Hà Nội. Xóm nhỏ ven phố thị nhưng trong mắt người “ở quê” như nhà tôi vẫn có gì đó xa cách; tôi sợ sệt nhìn đám trẻ thành phố, mẹ tôi cũng chưa quen biết ai hàng xóm.
Một tối nọ, cô hàng xóm sang gõ cửa; trên tay là một bát cá kho. Mẹ nhìn cả nhà rồi nhìn cô hàng xóm ái ngại, ra điều nhà mới tới còn chưa đi thăm hàng xóm được đã để hàng xóm qua nhà tặng đồ ăn. Bát cá kho vàng sánh, mùi mắm quyện với mùi cá thơm dịu nhẹ. Nước mắm dậy mùi cá, ăn tới đâu thấy ngon tới đó.
Ăn cá kho cùng mắm truyền thống lại thấy nhớ nhà
Tôi vẫn từng tự hỏi sao trong một đêm đông Hà Nội trời lành lạnh, cô hàng xóm lại tặng một bát cá kho. Mẹ tôi bảo rằng, có lẽ trong bát cá kho dậy mùi nước mắm đó, cô hàng xóm gửi cả chút thân tình của những người trước lạ sau quen; mắm mặn mà như tình người bền chặt.
Những bát nước mắm cứ theo người ta từ tấm bé đến lớn như vậy, giản dị mà nghĩa tình. Bữa cơm gia đình ngày còn thơ bé, dù đơn sơ với rau muống luộc và mấy quả cà pháo thôi cũng phải có bát nước chấm cắt vài lát ớt cay xè, để cái mặn cái cay khiến người ta quên đi cái nghèo đói. Chúng tôi cứ lớn lên còn hương vị nước mắm vẫn vậy; cái nghèo đã ở lại quá khứ nhưng bát nước mắm thơm ngon vẫn theo mỗi gia đình vào các bữa ăn thường nhật, giữ lại giữa cuộc sống hiện đại chút hương vị truyền thống. Người Việt gửi nhiều tâm tư trong từng món ăn, nhưng hiếm có món ăn nào lại chất chứa nhiều cảm xúc, hàm nghĩa về gia đình và sự gắn kết như bát nước mắm quá đỗi giản đơn.
Bát nước mắm nằm giữa mâm cơm, như sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình
Đôi khi người ta quên đi những chén nước mắm sánh vàng khi nói về những món ăn làm nên hồn cốt của ẩm thực Việt. Bố mẹ tôi và thế hệ người trẻ có thể quên đi phở và bánh mì nhưng trong bữa ăn vẫn cần một chén nước mắm. Cái thuở cơ hàn ăn bữa nay lo bữa sau của thế hệ ông bà bố mẹ tôi, nước mắm là một món ăn đó chứ? Mấy mươi năm trôi qua, giữa căn bếp sáng choang với vô vàn thiết bị hiện đại, nguyên liệu cao cấp ngoại nhập, các bà nội trợ vẫn để một vị trí “trang trọng” cho chai nước mắm. Tôi nghĩ rằng dù có bao nhiêu năm nữa, nước mắm vẫn ở đó với người Việt, với mẹ tôi và những người phụ nữ của thế hệ sau. Đâu có rườm rà gì pha chế hay cầu kỳ để biến hóa, nước mắm để ăn không cũng ngon mà đem chế biến xào, nấu, kho gì cũng làm món ăn gia đình muôn phần hấp dẫn.
Xuôi miền đất nước, bếp Việt ở đâu, bóng những bà mẹ Việt ở đâu thì ở đó có nước mắm. Hương vị nước mắm với cốt cá cơm nguyên chất đã thổi hồn cho ẩm thực nhiều vùng miền trên khắp Việt Nam. Trong cái chung thống nhất ấy là những biến thể nước mắm, nước chấm đầy mới mẻ; người Bắc thích nước chấm có thêm chút giấm chanh tỏi ớt; người miền Trung thường giữ nguyên vị ngon nước mắm nên không pha nhiều còn người miền Nam thường sử dụng nước dừa hoặc nước lọc để pha thêm, làm nước mắm loãng đi. Đến tận khi trưởng thành, tôi mới nhận ra nước mắm, nước chấm lại đa dạng và đủ đầy như vậy. Chúng ta thường quên đi những thứ mộc mạc bên đời mình, như bát nước chấm, như nghĩa tình hàng xóm, như căn bếp thân thương của mẹ – để rồi giữa cuộc sống hiện đại bắt gặp một bát nước mắm bỗng thấy da diết nhớ gia đình.
Nước mắm vẫn luôn đồng hành cùng mẹ trong những món ăn và những bữa cơm sum vầy
(Sưu tầm)