NHỚ THƯƠNG ĐẦY VƠI: MÙI HƯƠNG TUỔI THƠ

NHỚ THƯƠNG ĐẦY VƠI: MÙI HƯƠNG TUỔI THƠ

Trước đây đã có người từng nói “đối với tôi mùi của nước mắm là mùi của quê hương”. Đến bây giờ tôi mới hiểu được hàm ý sâu xa trong câu nói ấy.

Sinh ra và lớn lên ở vùng biển xứ Thanh, Có hai mùi hương trong kí ức tuổi thơ theo tôi suốt chừng ấy năm tôi may mắn có mặt trên cõi đời này. Đó là MÙI RƠM và MÙI NƯỚC MẮM. Hai thứ mùi hương quen thuộc hối thúc tôi trở về quá khứ.

Nhớ ngày xưa, tôi có tuổi thơ trọn vẹn với những buổi trưa hè trốn mẹ ra đồng tát cá, thả diều. Hay những buổi tối bạn bè chòm xóm tụ tập nhảy đống rơm, nằm trên triền đê ngắm ánh trăng ngà và thưởng thức làn gió quê mát rượi, cùng biết bao trò chơi dân gian khác với những kỷ niệm thơ ấu không thể nào quên.

Cuộc sống mưu sinh đã đưa tôi đến chốn đô thành nhưng quê hương của tôi vẫn ở đó. “Về quê” hai tiếng thân thương, dâng trào cảm xúc với bất kỳ người con xa xứ nào. Chỉ cần có dịp, tôi đều cố gắng cho con tôi trải nghiệm tối đa những gì mà thiên nhiên, cảnh vật làng quê mang lại. Tôi rất sợ một ngày nào đó, thế hệ con tôi sẽ không còn được nhìn thấy cánh cò bay lả trên những cánh đồng bát ngát, không còn được nhìn thấy lũy tre làng và những trò chơi ấu thời, không còn được nhìn và cảm nhận những điều trong trẻo, thanh bình của làng quê – nơi dung dưỡng tâm hồn và tuổi thơ của biết bao thế hệ.

Mùi rơm thơm thơm từ lúc thu hoạch lúa đến lúc phơi khô chất thành đống. Đó là mùi khi rơm để nấu cơm, nướng khoai, hay rơm là ổ để cả nhà ngủ tránh rét… Cuộc sống gia đình ngày ấy, tuy có hơi vất vả nhưng gia đình vẫn luôn ngập tràn tiếng cười.

Tuổi thơ miền quê. Ảnh: sưu tầm 

Đặc biệt hơn, đó là mùi mặn mòi của nước mắm mẹ muối, trong chum thơm lừng. Mỗi trưa hè, mẹ luôn bận rộn với những chum mắm với đủ các loại: mắm tôm, mắm tép, mắm cốt, …. tùy theo sở thích của mỗi người. Mỗi loại được đặt trong những cái chum màu nâu đất, đặt sát nhau ở góc nhà. Ngày ấy nhà tôi là gia đình làm mắm duy nhất trong làng. Mỗi khi trời nắng to, mùi mắm lại thoang thoảng bay khắp xóm, ai nấy cũng bị hấp dẫn bởi mùi hương này.

Nhớ những ngày trời chuyển thu, mưa ròng, se lanh, anh em tôi lại ngồi tranh nhau món nước mắm mỡ chan cơm nóng. Hay chén nước mắm đường ngọt lịm, cay xé lưỡi để dành ăn cùng mấy quả xoài tượng sau nhà của những buổi trưa hè, trốn ngủ.

Phương pháp làm mắm trong các chum sành ngày xưa

Thật không quá lời khi cho rằng nước mắm là một món ngon quê Việt. Chẳng cao lương mỹ vị nhưng là một gia vị không thể thiếu khi nấu bất cứ món gì. Nước mắm còn là món ăn chính, được đặt chính giữa mâm cơm Việt từ xưa tới nay. Bát mắm chấm tượng trưng cho nét tinh túy và văn hóa chia sẻ trong nghệ thuật ẩm thực người Việt.

Học xong trung học, tôi lên thành phố đi học mang theo nỗi nhớ nhà, nhớ quê da diết, nhớ mùi rơm rạ và nước mắm quê hương. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác như là sinh vật lạ trong mắt bạn bè thành phố khi mình là trung tâm của sự dè bỉu vì nói ngọng chữ L và N, và cái danh “cả bể” mà mọi người nói về nguồn gốc xuất thân của mình.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy lăn tăn hay xấu hổ về quê hương và nguồn gốc xuất thân của mình. Ngược lại, tôi thấy mình may mắn, nhất là giờ học sinh vật hay những kiến thức trải nghiệm làng quê đã làm tôi “nổi bật” giữa các bạn thành phố. Cùng với thời gian, tôi đã làm cho bạn bè “thành phố” yêu mến mình và quê hương của mình hơn.

Lê Anh cùng sản phẩm mắm truyền thống của mình

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, trước nhiều sự lựa chọn và chất lượng thực phẩm tốt hơn nhưng nhiều khi sau khi ăn xong, tôi cứ thấy thiếu thiếu một thứ gì đó. Tôi chợt nhận ra, đã lâu rồi mình chưa được thưởng thức vị mắm đậm đà quê hương. Nước chấm công nghiệp, thứ nước mắm pha, sử dụng phụ gia và hương liệu chưa bao giờ đọng lại một chút nào trên miệng lưỡi của người con sinh ra từ biển. Cái mùi vị mắm đậm đà đó không đơn giản là cảm nhận đầu lưỡi mà nó còn là cả vị quê hương, vị của thời thơ ấu. Và câu trả lời cho câu hỏi: vì sao lại quyết định chuyển hướng, về quê làm mắm – một quyết định vấp phải sự phản đối kịch liệt. Bởi vì tôi yêu: MÙI HƯƠNG TUỔI THƠ.”